Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng. Táo bón cấp tính có thể gây tắc ruột, thậm chí có thể phải phẫu thuật. Từ trước đến nay, có rất nhiều định nghĩa về táo bón khác nhau, nhưng thông thường ở người lớn, là việc không đi đại tiện quá 3 ngày; ở trẻ em, một tuần không thể đi đại tiện 3 lần thì được coi là táo bón. Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị táo bón lâu ngày, nhưng thường do các nhóm nguyên nhân chính sau:
1. Chế độ ăn uống và sinh hoạt kém lành mạnh
Tình trạng táo bón là cảnh báo rõ ràng nhất cho thấy lối sống của bạn đang kém lành mạnh như: ăn ít chất xơ, ăn chiều thực phẩm nhanh, uống ít nước, lười hoạt động thể chất,… Đây cũng là hậu quả của lối sống hiện đại của giới trẻ, không những gây táo bón mà còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chung của cơ thể.
Dưới đây là những thói quen xấu dẫn tới táo bón bạn cần cải thiện:
Nhịn đi vệ sinh
Do bận rộn công việc hay tâm lý căng thẳng, lười vận động mà nhiều người bỏ qua cảm giác muốn đi vệ sinh. Điều này khiến phân bị ứ đọng lâu hơn trong trực tràng và khiến táo bón trầm trọng hơn.
Ăn ít chất xơ
Chất xơ giúp hoạt động của hệ tiêu hóa hiệu quả và dễ dàng hơn, nên tăng cường bổ sung chất xơ từ các loại thực phẩm như: rau đay, mồng tơi, khoai lang luộc, chuối tiêu,… Đặc biệt nếu bữa ăn của bạn có quá nhiều chất béo từ thực phẩm chiên, rán, phô mai thì không thể thiếu chất xơ bổ sung.
Lạm dụng thức uống không lành mạnh
Táo bón dễ xuất hiện hơn ở người uống quá nhiều rượu, bia, thức uống chứa nhiều caffeine. Không những thế, những thức uống này còn không tốt cho dạ dày và sức khỏe tinh thần.
2. Nguyên nhân bệnh lý
Tình trạng táo bón lâu ngày có thể xuất phát từ những nguyên nhân bệnh lý như:
- Nứt hậu môn.
- Ung thư đại tràng, ung thư ở vùng bụng.
- Tắc nghẽn ruột hay hẹp đại tràng.
- Sa trực tràng.
- Các bệnh lý ảnh hưởng đến hormone gồm đái tháo đường, cường giáp, suy giáp,...
3. Nguyên nhân dinh dưỡng
Ở một số người, thiếu hụt hoặc dư thừa nhóm dinh dưỡng nhất định có thể gây ra tình trạng táo bón lâu ngày như:
Dư thừa canxi
Dư thừa canxi thường gặp ở người uống quá nhiều viên bổ sung canxi, dẫn đến giảm nhu động ruột, phân bị giữ trong ruột lâu hơn, nước bị tái hấp thu nhiều hơn. TÌnh trạng này càng kéo dài thì phân càng trở nên khô cứng, khó đẩy ra ngoài. Hầu hết bệnh nhân không biết mình bị dư thừa canxi cho đến khi xuất hiện triệu chứng táo bón.
Dư thừa sắt
Những người uống quá nhiều sắt bổ sung cũng làm giảm nhu động trực tràng, khiến việc đi vệ sinh trở nên khó khăn hơn. Nếu trong tình trạng thiếu máu, nên bổ sung với hàm lượng theo chỉ định của bác sĩ. Với người bình thường, lượng sắt cần là khoảng 8mg hàng ngày và có thể cung cấp đủ qua thực phẩm, có nhiều trong cải bó xôi, hải sản, thịt, các loại đậu,...